Không có sản phẩm trong giỏ hàng!
In áo bằng công nghệ in chuyển nhiệt được dùng khá phổ biến trên thị trường in áo đồng phục hiện nay. In áo chuyển nhiệt (theo nghĩa hẹp) thực tế áp dụng công nghệ in kỹ thuật số, điều này giúp dễ dàng khắc phục được một số nhược điểm lớn mà ngành in lụa thường hay gặp phải như: in hình 3D, khả năng chống bong tróc.
Ngày nay, công nghệ in chuyển nhiệt lên áo thun sáng màu không còn quá xa lạ với giới trẻ để họ thỏa sức sáng tạo in ấn những hình ảnh kỷ niệm, gia đình, người thân trên chính chiếc áo thun của mình.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách in chuyển nhiệt lên áo thun sáng màu một cách chính xác và thẩm mỹ nhất. Đặc biệt là đối với những khách hàng mới bước vào nghề. Bài viết dưới đây, Thành Đạt sẽ “Hướng dẫn in chuyển nhiệt lên áo, in hình ảnh lên áo lên áo thun sáng màu” một cách chi tiết và dễ dàng để quý khách hàng có thể theo dõi.
In chuyển nhiệt là một công nghệ in dựa trên nền tảng nhiệt độ và áp suất để chuyển tiếp nội dung cần in ấn. Công nghệ in chuyển nhiệt sử dụng các vật liệu đặc dụng trong ngành như mực in chuyển nhiệt hay giấy in chuyển nhiệt; thông qua máy ép chuyển nhiệt để đưa các họa tiết cần in từ giấy in chuyển nhiệt sang sản phẩm hoặc vật liệu khác (như vải, ly sứ, gạch men, nhựa...).
Kỹ thuật in chuyển nhiệt ứng dụng phổ biến trong ngành in để sản xuất nhiều sản phẩm thuộc các lĩnh vực như thời trang, mỹ thuật, thiết kế nội thất... Trong đó, điển hình là các dịch vụ in quà tặng và in áo thun theo yêu cầu.
Máy in chuyển nhiệt là một loại máy in kỹ thuật số, đa màu, có sử dụng mực in chuyển nhiệt. Thực tế nó không khác gì những máy in kỹ thuật số thông thường, chỉ khác về mực dùng cho máy và độ phù hợp của dòng máy với công nghệ in này.
Mực in chuyển nhiệt là loại mực chuyên dụng dùng trong công nghệ in chuyển nhiệt. Mực này không bền màu khi ở nhiệt độ thường, nó chỉ bền màu khi được ép qua nhiệt độ cao. Mực in chuyển nhiệt khi mới in ra thường có màu sẫm hơn mực nước thông thường. Các bạn đừng lo lắng, điều này không có nghĩa là sai màu hoặc máy in cho ra màu xấu. Mà thực tế, các màu sắc được in bằng mực chuyển nhiệt chỉ thực sự sáng màu, bắt mắt khi gặp nhiệt độ cao.
Giấy in chuyển nhiệt hay được biết đến với tên gọi "giấy thuốc", là một loại giấy đặc dụng dùng trong ngành in, cụ thể đối với công nghệ in chuyển nhiệt. Giấy thuốc (giấy in chuyển nhiệt) được phủ một lớp keo (thuốc) giúp giữ tạm phần nội dung in trên giấy và chuyển toàn bộ nội dung này sang sản phẩm, vật liệu khi ta sử dụng máy ép chuyển nhiệt.
Máy ép nhiệt là một công cụ sử dụng hai nền tảng lực ép và nhiệt độ giúp hai vật thể có thể kết dính vào nhau dưới tác dụng của nó. Đây là loại máy ép chuyên dụng sử dụng nhiệt độ cao để ép hình ảnh lên các vật liệu như vải, gỗ, gạch men, phale, thủy tinh,…
Vì quá trình in ép chuyển nhiệt thường xuyên phải tiếp xúc với máy ép ở nhiệt độ cao, để hoạt động sản xuất không gặp phải bất kỳ rủi ro nào, một đôi kính mát, khẩu trang và găng tay là khá cần thiết.
+ Bước 1: In hình đã được xử lý lên Giấy in chuyển nhiệt màu Hồng bằng máy có chứa mực chuyển nhiệt. Máy in Epson là dòng máy thông dụng hiện nay tại Việt Nam và cả thế giới.
+ Bước 2 : Chúng tôi coi đây là một công đoạn khá quan trọng để có một hình in đẹp. Bạn cần để mực in khô hẳn. Bên cạnh đó, chúng ta cần ép qua nhiệt trên bề mặt vải một lần để tránh trường hợp bề mặt vải bị nhăn.
+ Bước 3 : Đặt hình in lên đúng vị trí trên bề mặt vải và tiến hành ép nhiệt. Có khá nhiều thông số cho nhiệt độ và thời gian ép. Điều này phụ thuộc vào chất liệu vải cũng như ý muốn nhanh - chậm, yêu cầu đẹp hay không đẹp của người dùng. Có thể chia ra như sau :
• Với những dòng vải dễ nhăn: Người dùng thường để mức nhiệt độ thấp nhưng thời gian lâu hơn bình thường. Trung bình nhiệt độ từ 175 độ C đến 190 độ C. Thời gian từ 45s đến 1p.
• Với những dòng vải bình thường: Nhiệt độ tiêu chuẩn chung là 190 độ C đến 200 độ C. Thời gian từ 35s đến 45s.
• Với trường hợp vải chịu nhiệt: Người sử dụng cần hoàn thành nhanh, chúng ta có thể đặt mức nhiệt từ 200 độ C đến 220 độ C. Thời gian ép từ 20s đến 35s. Thường thì trường hợp này cho thành phẩm không quá đẹp. Nhiệt độ quá cao cũng có thể làm biến đổi màu vải sang màu vàng.
- Thứ nhất: In chuyển nhiệt chỉ phù hợp với dòng chất liệu vải thun polyester. Một tỷ lệ cotton lớn trong vải, mang lại cảm giác mát mẻ nhờ thấm rút mồ hôi tốt lại là điều tối kỵ đối với in chuyển nhiệt. Vải thun cotton hay vải thun cá sấu chất cotton không bắt màu, hoặc bắt màu ở mức độ rất thấp, có khả năng trôi mực nhanh hơn rất nhiều so với vải thun polyester.
- Thứ hai: In chuyển nhiệt (trực tiếp) chỉ dùng trên các dòng vải sáng màu, trong đó chủ yếu sử dụng chất liệu vải Trắng.
✔ Lớp mực in trên giấy thuốc (giấy in chuyển nhiệt) chỉ là một lớp mực cực kỳ mỏng, và bản chất chúng cũng chỉ là một lớp mực nước.
✔ Nguyên lý về màu sắc: Khi pha trộn 2 tông màu với nhau theo cùng một tỷ lệ, tông màu đậm luôn lấn át tông màu lợt. Điều này có nghĩa tông màu đậm luôn mạnh hơn tông màu lợt.
✔ Khi ép chuyển nhiệt lên vải màu đậm, các nội dung in đều thấm vào trong vải, đồng thời các tông màu quá yếu để thắng được màu sắc tông màu đậm.
→ Chúng ta có thể hiểu một cách rõ ràng rằng: Khi in ép chuyển trực tiếp từ giấy lên vải tối màu, kết quả mà chúng ta nhận được sẽ là một lớp hình mờ mờ (hoặc không thấy gì cả).